Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII:

Bài 1: Đổi mới hoạt động lập pháp

- Thứ Hai, 26/09/2022, 05:48 - Chia sẻ

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

LTS: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định đường lối đổi mới của Quốc hội trong nhiệm kỳ này cho đến nhiệm kỳ sau và tầm nhìn đến 2045. Để thực hiện có hiệu quả những yêu cầu nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thì trong thực thi nhiệm vụ của Quốc hội, Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan này nghiên cứu thực hiện có chất lượng và hiệu quả hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của chính mình.

Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài của TS. Bùi Ngọc Thanh - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xoay quanh chủ đề: “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định đường lối đổi mới của Quốc hội trong nhiệm kỳ này cho đến nhiệm kỳ sau và tầm nhìn đến 2045 là: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; phát huy dân chủ, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định; nâng tầm hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, bảo đảm giám sát là công cụ quan trọng nhất đối với việc kiểm soát quyền lực của hành pháp và tư pháp[1].

Bài 1: Đổi mới hoạt động lập pháp -0
Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 29.8

Để thực hiện có hiệu quả những yêu cầu nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thì trong thực thi nhiệm vụ của Quốc hội, Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan này nghiên cứu thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của chính mình:

Đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế

Về hoàn thiện một hệ thống pháp luật, sau khi rút ra những tồn tại của công tác lập pháp là “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn... chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”[2], Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, phải xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật với 8 tính chất đặc trưng: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp, bởi vậy, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Đảng đoàn Quốc hội đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt công việc trọng đại này. Tại Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14.10.2021, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung một tính chất nữa vào hệ thống pháp luật, đó là có sức cạnh tranh quốc tế. Trong điều kiện đất nước hội nhập sâu rộng, luật pháp phải có sức cạnh tranh quốc tế, đó là quyết định đúng đắn và chính xác.

Đây là lần đầu tiên, Đảng ta chỉ đạo định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ thay vì xây dựng ngay Chương trình “cứng” như nhiều khóa trước đây mà chưa có đủ cơ sở thực tiễn vững chắc nên phải điều chỉnh liên tục theo tình hình mới phát sinh. Nhiệm kỳ này, theo sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, ngày 5.11.2021 về thực hiện kết luận số 19- KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Kế hoạch gồm 137 nhiệm vụ, trong đó có 71 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành; 38 nhiệm vụ cần nghiên cứu, xây dựng luật mới, pháp lệnh, nghị quyết mới. Các nhiệm vụ này được phân công cụ thể cả nội dung và tiến độ tới từng chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật.

Thận trọng, chất lượng

Các chủ thể trong quy trình xây dựng luật phải quán triệt sâu sắc và thực hiện cho được những lưu ý có tính chất giải pháp trong Kết luận 19-KL/TW để góp phần nâng tầm chất lượng lập pháp lên một tầm cao mới.

Trước hết, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn... Giải pháp này xuất phát từ thực tế: Bước vào công cuộc đổi mới, từ nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta phải xây dựng lại một hệ thống luật pháp hoàn toàn mới về nội dung. Những năm đầu đổi mới phải nhanh chóng “sản xuất” ra hàng loạt đạo luật để đáp ứng “tức thời” việc điều hành một nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh chóng. Nay với hơn 250 luật và bộ luật đang có hiệu lực thi hành, về số lượng như thế là tương đối đầy đủ, bây giờ phải đặc biệt chú ý tới chất lượng, tính khả thi. Phương châm là, chất lượng, chất lượng và chất lượng.

Cũng cần thiết phải bàn thêm về đánh giá chất lượng của một đạo luật: Một đạo luật được thông qua phải bảo đảm cả chất lượng hình thức và cả chất lượng nội dung. Chất lượng hình thức bao gồm các tiêu chí: tính thống nhất, đồng bộ trong cơ cấu của đạo luật và giữa đạo luật đó với hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ về hình thức; tính rõ ràng, dễ hiểu về cách thể hiện. Chất lượng nội dung bao gồm các tiêu chí: phải thể hiện đúng đắn ý chí và nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân lao động; nội dung ý chí, nguyện vọng thể hiện trong đạo luật phải phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội khách quan trong thời gian đạo luật ra đời; phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; nội dung luật phải hợp hiến, hợp pháp; nội dung điều chỉnh các quan hệ xã hội phải phù hợp với mục đích đặt ra; nội dung điều chỉnh phải rõ ràng, minh bạch, ổn định và có thể dự đoán trước những vấn đề sẽ xảy ra, “tuổi thọ” của luật phải tương đối dài; và phải phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên.

Hai là, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, hệ thống pháp luật phải bảo đảm 9 tính chất (kể cả tính cạnh tranh quốc tế) lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, của doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong 9 tính chất phải đặc biệt lưu ý tính khả thitính thống nhất của hệ thống pháp luật (hai tính chất này, hiện nay có thể nói là còn yếu).

Ba là, tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, tăng cường tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là Chính phủ - chủ thể trình phần lớn các dự án luật. Hơn ai hết, những chủ thể tham gia xây dựng pháp luật phải là những người đi đầu trong thượng tôn pháp luật (thượng tôn pháp luật phải được thực thi nghiêm túc ngay từ khi xây dựng luật).

Bốn là, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, nhất là đối với các bộ, ngành của Chính phủ...

Mục tiêu xây dựng hệ thống luật pháp nói trên không chỉ cho nhiệm kỳ này, mà cho cả nhiệm kỳ sau và tầm nhìn đến năm 2045. Để từng bước đạt được mục tiêu đó, trên phương diện lãnh đạo lập pháp, sự chỉ đạo của Đảng cần cụ thể hơn nữa đối với từng ngành luật trong từng giai đoạn. Vì rằng, trong hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam bao gồm nhiều ngành luật có nội dung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rất khác nhau và rất phức tạp. Mỗi ngành luật ngoài yêu cầu chung lại có những yêu cầu riêng; trong mỗi ngành luật lại có khá nhiều luật khác nhau với yêu cầu khác nhau. Do đó, rất cần có định hướng riêng cho mỗi ngành luật.

Mặt khác, lập pháp của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có những đặc điểm riêng, ví dụ, nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” thì bất kỳ ngành luật nào, dự án luật nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt, do đó phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng...

Như chúng ta đã biết, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược và bằng chủ trương chính sách lớn, bằng nghị quyết, quyết định, bằng chỉ thị, quy định và kết luận của Đảng. Do đó, các văn bản như là “pháp luật” của Đảng càng khoa học, càng hoàn thiện, cụ thể, minh bạch và phù hợp với thực tiễn khách quan của đất nước thì việc Quốc hội thể chế hóa thành các văn bản pháp luật của Nhà nước càng đúng đắn, tạo điều kiện đạt được 9 tiêu chí (tính chất) của hệ thống pháp luật mà Đảng đang chỉ đạo. Từ đó, càng tạo ra khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội với độ chính xác ngày càng cao, hiệu lực, hiệu quả ngày càng lớn.

___________

[1] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, xem các trang 175-176.

[2] Như 1, trang 89.